Nguyệt San Số 11


Ghé Bến Bình Đông

Tác giả: V.T tổng hợp
Thể loại: Quê Hương   

      Cách đây hai hôm, tôi có dịp chạy dọc đại lộ Đông Tây đoạn kênh Tàu Hũ (nhiều người thường gọi là Bến Bình Đông) và vui mừng thấy một số ngôi nhà mang kiến trúc Đông - Tây đặc thù của khu vực này vẫn còn.
      Lâu rồi, tôi không chạy qua đoạn đường này. Như người xa quê lâu ngày trở về, nhìn thấy những ngôi nhà cũ mà lòng tôi trào dâng những nỗi niềm khó tả, ít ra còn cái gì đó quen thuộc, không đến nỗi như Từ Thức sau mấy trăm năm từ cõi tiên trở về hạ giới thì thấy mình lạc lõng vì "cảnh cũ người xưa" không còn.
      Còn nhớ cách đây hai năm, tôi cùng một anh bạn đồng nghiệp đi ghi nhận lại những hình ảnh của khu vực này trước khi đại lộ Đông Tây hình thành. Những ngày ấy, xe cẩu, xe lu đang ra sức nạo vét và trải nhựa hai bên bờ kênh Tàu Hũ, bờ Tây là đường Trần Văn Kiểu quận 6 và bờ Đông là Bến Bình Đông quận 8, để hoàn thành đại lộ.
      Lúc đó, tôi rất tiếc vì các nhà máy xay xát lúa gạo tại khu vực từng được mệnh danh là "bao tử của miền Nam" này không còn. Với sự thuận lợi về đường thủy, có thể tránh được nguy hiểm và tiết kiệm chi phí chuyên chở, phù hợp với nền kinh tế nông nghiệp và phương tiện vận chuyển của các tỉnh miền Tây, cộng với khả năng thu mua và giao thương năng động của người Hoa, nơi đây đã từng chứng kiến những giai đoạn thịnh vượng nhất của việc mua bán và xuất khẩu lúa gạo trong suốt lịch sử 300 năm phát triển Sài Gòn - Chợ Lớn.
      Nhắc đến Bến Bình Đông, người Sài Gòn lớn tuổi không ai không nhớ đến các dãy nhà kho, chành (tiếng Hoa gọi chỗ chứa hàng), nhà máy xay xát, mua bán và xuất khẩu lúa gạo của người Hoa. Trước kia, người Hoa thu mua lúa từ các tỉnh miền Tây về đây tập kết, xay xát rồi bày bán tại phố Trần Chánh Chiếu, quận 5. Phố Trần Chánh Chiếu hay chợ Gạo là phố chuyên doanh đầu tiên và lâu đời nhất của TPHCM do người Hoa lập vào khoảng năm 1750. Từ phố này, lúa gạo được xuất khẩu đi hàng chục nước trên thế giới.
      Hiện nay, lúa gạo được bày bán tại phố Trần Chánh Chiếu được nhập từ nhiều nguồn khác nhau và chuyên chở bằng xe tải vì đường xá thuận tiện hơn, nhanh hơn và chở được nhiều hơn.
      Nhắc đến Bến Bình Đông, không thể không nhắc đến kiến trúc đặc thù, kết hợp đường nét Đông   Tây của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam thời Pháp thuộc, mang đậm dấu ấn của hoạt động kinh tế cũng như giao thoa văn hóa. Khu vực này trước kia do người Hoa làm chủ, nhưng việc xây dựng được thực hiện bởi các nhà thầu Singapore. Kiến trúc được xây theo dạng nhà phố với bề ngang hẹp, nhằm tăng số lượng nhà mặt tiền và nhờ đó mau chóng thu hồi vốn đầu tư xây dựng. Tầng trệt là cơ sở kinh doanh, chành, tầng trên là nhà ở. Tuy nhiên, trang trí lại mang ảnh hưởng phương Tây với các cây cột được xây bằng gạch, lan can bằng sắt, gờ chỉ làm bằng thạch cao hoặc vôi.
      Để chừa lộ giới xây dựng đại lộ Đông Tây, một số ngôi nhà cổ, dãy nhà kho và đình Bình An (một trong những ngôi đình lâu đời tại khu vực Sài Gòn   Chợ Lớn, được xây dựng năm 1842, thờ Quan Công, được nhiều người đến khấn vái, cầu xin cho việc làm ăn được phát triển và thuận lợi) đã bị gỡ bỏ. 
      Nếu chỉ nhắc đến giá trị lịch sử kinh tế và kiến trúc mà không nhắc đến giá trị văn hóa "trên bến dưới thuyền" đặc trưng của khu vực này thì quả là thiếu sót. Trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam, nhà văn Sơn Nam miêu tả: "Dòng sông sâu rộng, ghe thuyền đậu dài 10 dặm, theo hai con nước lên, nước ròng thuyền bè qua lại chèo chống ca hát, ngày đêm tấp nập, làm chỗ đô hội lưu thông khắp ngả thật là tiện lợi".
      Ghe thuyền không chỉ là phương tiện di chuyển, chuyên chở mà còn là nhà ở, là nơi sinh sống của người dân. Theo nhà văn Sơn Nam, cuộc sống trên sông, ghe thuyền là nhà, bến bãi là nơi mua bán, những đặc tính này đã tạo nên cả một nét văn hóa đặc trưng của người miền Nam và Tây Nam bộ chứ không chỉ là cảnh quan trên bến dưới thuyền đơn thuần.
      Trước kia, khu vực này rất sầm uất. Tại bãi tập kết trên đường Trần Văn Kiểu đoạn gần kênh Lò Gốm, xe gắn máy và xe đò ra vào tấp nập. Hàng trăm xe gắn máy chở hàng hóa, chủ yếu là hàng khô đóng thùng, chờ đưa xuống tàu về các tỉnh. Đội ngũ xe gắn máy này ra vào như con thoi, chở hàng từ chợ Bình Tây hoặc từ kho ra bến, rồi từ bến ngược lên kho hoặc ra chợ. Hàng hóa từ thành phố về các tỉnh thường là mặt hàng khô. Ngược lại, hàng hóa chở bằng ghe tàu từ miền Tây lên chủ yếu là trái cây, củ quả như dừa, chuối, thơm, bí đỏ, khoai lang, củ sắn. Ghe, thuyền xếp hàng dài dọc bến sông, việc chuyển hàng lên xuống nhộn nhịp.
      Lâu rồi, tôi mới có dịp ngồi hồi tưởng lại quan cảnh của Bến Bình Đông xưa. Bây giờ, dòng kênh đen ngòm, đầy rác và bùn trước kia đã được nạo vét bớt đen đặc hơn. Các bờ kè được xây bằng đá khang trang. Theo đà phát triển kinh tế, đại lộ Đông Tây được hình thành, người lái xe có thể vi vu trên đường.Chỉ một vài ngôi nhà cũ còn sót lại nhưng ít ra, chúng cho thấy thế hệ sau không phủ nhận sạch trơn thế hệ trước...